HANOI |
HCMC |
LIÊN HỆ BÁO GIÁ | ADINA PROFILE |
Với bất kỳ một đơn vị nào, khi bắt đầu phát triển chiến lược phân tích thị trường hoặc đưa ra định hướng cho nhóm bán hàng của mình, điều cần thiết đầu tiên bạn cần xây dựng chính là có được một chân dung khách hàng mục tiêu hoàn chỉnh và chính xác. Nếu không có tài liệu này, bạn có thể sẽ sớm phải kết thúc quá trình bán hàng của mình vì rất dễ bị “lạc hướng” trong thị trường rộng lớn. Vậy chân dung của khách hàng mục tiêu là gì? Nó đem lại lợi ích ra sao cho doanh nghiệp và cách xây dựng như thế nào? Hãy cùng Adina Việt Nam tìm hiểu chi tiết về nội dung này nhé!
Nội dung bài viết
Chân dung khách hàng mục tiêu là gì?
Chân dung hay hồ sơ khách hàng mục tiêu được hiểu là những mô tả chi tiết về tập khách hàng mà doanh nghiệp hướng tới. Trong đó bao gồm toàn bộ thông tin về:
- Nhân khẩu học: tuổi tác, vị trí, sở thích,…
- Hành vi, thói quen mua hàng
- Mức thu nhập
- Lịch sử mua hàng của họ.
Nói theo cách khác, chân dung khách hàng mục tiêu sẽ xác định toàn bộ đặc điểm của những người có khả năng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.
Hàng ngày, mỗi người tiêu dùng tiếp cận tới hàng trăm thông điệp khác nhau và chỉ quan tâm tới những vấn đề liên quan tới họ. Nhìn theo khía cạnh của một doanh nghiệp, điều này đồng nghĩa với việc các công ty cần có một kế hoạch tốt về đối tượng mục tiêu của mình. Thông tin có được sẽ giúp bạn nổi bật hơn so với những thông tin nhiễu trên thị trường và nâng cao được cơ hội truyền tải thông điệp đến người dùng tiềm năng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp đang có hướng đi sai lầm khi cố gắng xây dựng một chiến lược nào đó với đích cuối hướng tới là giải quyết triệt để mọi vấn đề của thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc chân dung hồ sơ khách hàng của bạn quá rộng và rất dễ dẫn tới tình trạng không thể hoàn thành được mục tiêu đề ra mà chỉ có thể giải quyết được một vài vấn đề nhỏ. Do đó việc tinh chỉnh hồ sơ khách hàng là điều rất cần thiết.
Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của hồ sơ khách hàng, mời bạn đồng hành tiếp cùng Adina Việt Nam nhé!
Phác họa chân dung khách hàng mục tiêu để làm gì?
Sau đây là những lợi ích mà doanh nghiệp sẽ có được khi phác họa thành công hồ sơ của khách hàng mục tiêu cho sản phẩm/ dịch vụ của công ty:
Giúp tìm khách hàng tiềm năng dễ dàng hơn
Khi bạn tập hợp chân dung khách hàng mục tiêu, bạn sẽ nhận biết được chính xác những đặc điểm của đối tượng mình nhắm tới. Dữ liệu này được coi là “mỏ vàng” cho các nhóm bán hàng vì họ có thể sử dụng thông tin đã thu thập được để chủ động tiếp cận tập khách hàng mới phù hợp với định hướng kinh doanh.
Giúp ích cho việc tiếp thị
Một báo cáo chuyên ngành đã cho thấy hơn 50% người tiêu dùng sẵn sàng chia sẻ dữ liệu cá nhân của họ để đổi lấy các ưu đãi hoặc giảm giá cá nhân. Đây chính là nguồn thông tin mà các doanh nghiệp có thể tận dụng cho việc tiếp thị của mình. Những dữ liệu này sẽ là “đầu mối” quan trọng để bạn tìm hiểu từng khách hàng tiềm năng xem vấn đề họ đang gặp phải là gì? Liệu rằng các sản phẩm/ dịch vụ của bạn có giải quyết được những vấn đề đó không?
Xây dựng lòng trung thành của khách hàng
Việc kinh doanh của bạn sẽ không kết thúc khi khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng. Các doanh nghiệp sẽ thành công nhất khi thực sự giữ chân được khách hàng của mình. Một chân dung khách hàng mục tiêu hoàn chỉnh sẽ giúp bạn giữ chân được khách hàng hiện tại, khuyến khích lòng trung thành của họ với thương hiệu của bạn, đồng thời thuyết phục họ mua hàng mỗi khi có sản phẩm mới ra mắt.
Nhìn chung, sự hiện diện của hồ sơ khách hàng sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng tạo ra được tài liệu tiếp thị, phát triển chiến lược quảng bá và gia tăng doanh số bán hàng nhanh chóng.
>>> Có thể bạn quan tâm: Customer Journey là gì
Làm thế nào để xây dựng chân dung khách hàng mục tiêu?
Các bước xác định khách hàng mục tiêu bao gồm:
Bước 1: Hiểu về ngành, sản phẩm/ dịch vụ bạn kinh doanh
Hiểu rõ ngành mà doanh nghiệp của bạn đang kinh doanh sẽ là mấu chốt quan trọng để làm nổi bật thương hiệu. Bạn cần biết tiềm năng phát triển trong tương lai của ngành mà bạn đang theo đuổi là gì. Tiếp đó là xem xét vị trí thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng so với các đối thủ khác trong ngành. Từ đây bạn sẽ có được định hướng rõ ràng hơn khi xây dựng hồ sơ khách hàng.
Dưới đây là một số câu hỏi phục vụ cho quá trình phân tích các vấn đề liên quan tới thị trường tiềm năng của một doanh nghiệp:
- Bạn có thể cung cấp những giá trị nào cho khách hàng? (Ví dụ: Tiết kiệm tiền, tiết kiệm thời gian cho họ,…)
- Bạn giải quyết “nỗi đau” của người dùng ra sao?
- Những đặc điểm nào của bạn có thể khác biệt so với các thương hiệu khác?
- Làm thế nào để giải pháp doanh nghiệp bạn đưa ra phù hợp với nhu cầu của người dùng?
Bước 2: Xem lại bản đồ hành trình khách hàng của bạn
Bản đồ hành trình khách hàng là tài liệu phác thảo cụ thể mỗi điểm tương tác mà khách hàng đi qua để đạt được mục tiêu với doanh nghiệp của bạn. Chúng sẽ vẽ ra một bức tranh chi tiết về những người đang mua sản phẩm và tương tác với thương hiệu của bạn. Bằng cách hiểu rõ nhu cầu, thách thức cũng như mong muốn của khách hàng, bạn sẽ tìm ra được sở thích và những điểm người dùng không thích ở sản phẩm/ dịch vụ bạn đang cung cấp.
Bước 3: Ứng dụng nhân khẩu học để xác định khách hàng
Xem lại hành trình của khách hàng thôi là chưa đủ, bạn nên tìm hiểu thêm thông tin nhân khẩu học liên quan tới người dùng tiềm năng của mình. Bạn hãy xuất phát từ nhân khẩu học trước, sau đó đi sâu vào nhu cầu của khách hàng, cuối cùng là đưa ra những tiêu chí phù hợp để phát triển sản phẩm của mình.
Một số thuộc tính tiêu biểu bên ngoài theo nhân khẩu học mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để phục vụ cho quá trình xác định chân dung khách hàng mục tiêu:
- Sản phẩm của bạn sẽ phục vụ tốt cho thị trường, lĩnh vực nào? (Ví dụ bạn kinh doanh thiết bị y tế thì thị trường mục tiêu là các phòng khám, bệnh viện)
- Mức thu nhập của khách hàng ra sao? (Ví dụ: Doanh thu của phòng khám là hơn 300 triệu mỗi tháng)
- Vị trí sinh sống của khách hàng? (Ví dụ: Phòng khám được đặt ở trung tâm thành phố)
Bước 4: Thu thập thông tin phản hồi từ phía khách hàng
Thật khó để bạn có thể làm quen với khách hàng khi không dành thời gian làm quen với họ. Bạn cần thu thập thông tin phản hồi từ phía khách hàng nếu bạn muốn xây dựng một“bức tranh” rõ ràng về họ. Cách tốt nhất để làm được điều này là bạn nên có được những cuộc trao đổi trực tiếp hoặc cuộc gọi điện thoại tới khách hàng. Nếu điều kiện không cho phép, bạn có thể tạo ra những cuộc khảo sát trực tuyến thú vị để thu hút chia sẻ của những người dùng.
Bước 5: Tìm hiểu sâu hơn về khách hàng
Khi đã xác định được các yếu tố bên ngoài mô tả chân dung khách hàng mục tiêu của bạn, bước tiếp theo các doanh nghiệp cần thực hiện là tìm hiểu sâu hơn về người dùng. Nếu bạn đang bắt đầu kinh doanh một sản phẩm mới thì hãy tập trung xem xét tập người dùng hiện tại của bạn cũng như hành vi của họ. Bạn cần nắm rõ khách hàng của mình sẽ là những người như thế nào, họ sẽ sử dụng sản phẩm ra sao hoặc tại sao họ lại dùng dịch vụ của bạn?
Sau khi đã hoàn tất những bước trên, bạn chỉ việc tóm gọn lại tập thông tin có được tạo thành một hồ sơ khách hàng tiềm năng chất lượng.
Ví dụ về chân dung khách hàng mục tiêu
Mẫu hồ sơ khách hàng của Minimalist.Business
Mẫu hồ sơ khách hàng của Red Caffeine
Mẫu hồ sơ khách hàng của Creately
Như vậy Adina đã cùng bạn xây dựng chi tiết chân dung khách hàng mục tiêu qua 5 bước bên trên. Hy vọng bài viết đã cung cấp tới bạn những thông tin hữu ích. Chúc bạn sẽ sớm tạo dựng thành công hồ sơ khách hàng tiềm năng cho thương hiệu của mình.